Email: info.pbs.edu.vn@gmail.com
Hà Nội: 0246 253 2546 - 0936 228 983 Hồ Chí Minh: 0286 683 3239
Tổ Chức Giáo dục Đào Tạo Chất Lượng Cao PBS
Tổ Chức Giáo dục Đào Tạo Chất Lượng Cao PBS
PBS Premium Education Training Group
Menu 0936 228 983

DƯƠNG NGỌC DŨNG

Chuyên gia - Giảng viên

Ông từng giữ những vị trí quản lý cao cấp, đào tạo và tư vấn cho những tổ chức lớn như Samsung, LG Vina, Tổng lãnh sự Mỹ, Úc, New Zealand, Bộ Kế hoạch & Đầu Tư, Bộ Tài chính, Đài truyền hình Việt Nam, Tổng lãnh sự Singapore…

Một số ngộ nhận về quản lý giá thị trường

Administrator
08/02/2018

PBS- Hiệu quả quản lý và bình ổn giá nói chung, giá độc quyền nói riêng trong nền kinh tế nước ta là thước đo về sự minh bạch của môi trường đầu tư và độ lành mạnh của cơ chế thị trường, cũng như của uy tín, hiệu lực và hiệu quả quản lý Nhà nước về kinh tế - xã hội của Việt Nam trong giai đoạn chuyển đổi.

Ảnh minh họa

Quản lý giá trong nền kinh tế thị trường cần tránh một số ngộ nhận điển hình như sau:

Thứ nhất, hiểu sai về giá thị trường; coi giá thị trường phải tính đủ các chi phí từ kinh doanh độc quyền thiếu kiểm soát và cạnh tranh lành mạnh của doanh nghiệp. Ngộ nhận “chết người” này dễ ru ngủ và khỏa lấp những đòi hỏi nâng cấp chất lượng hoạt động của doanh nghiệp cung ứng hàng hoá độc quyền; khiến các doanh nghiệp độc quyền mất động lực tiết giảm chi phí sản xuất, liên tục báo “lỗ giả-lãi thật” và luôn có cơ hội là xin tăng giá, kích thích cơ chế xin-cho, đổ gánh nặng chi phí và rủi ro lên vai người tiêu dùng hoặc Nhà nước, trong khi gạt bỏ những nhà đầu tư hiệu quả, khiến nhiều nguồn lực đầu tư bị nghẽn, tạo căng thẳng cung-cầu tiêu dùng giả tạo và bức xúc xã hội cao trên thực tế.

Thứ hai, cho phép doanh nghiệp độc quyền tự định giá thị trường khi chưa có cạnh tranh đầy đủ theo quy trình và điều kiện của quy luật kinh tế thị trường. Chỉ có được giá thị trường khi có sự liên thông trực tiếp, cạnh tranh đầy đủ và sự kiểm soát cạnh tranh thị trường lành mạnh. Nếu trước khi có cạnh tranh thị trường mà cho phép các doanh nghiệp tự định giá là tạo cơ hội cho tăng giá độc quyền, biến độc quyền Nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp, là mang lại lợi ích độc quyền kép cho doanh nghiệp độc quyền, vì vừa không phải cạnh tranh thị trường, vừa được áp giá độc quyền. Hơn nữa, việc thiếu sự minh bạch và thông tin giải trình về tăng giá, công tác kiểm toán và giám sát đầu tư các ngành này còn nhiều khoảng trống… sẽ dễ làm tăng hiện tượng giá cả bị bóp méo vì lợi ích nhóm và lối tư duy nhiệm kỳ, gia tăng hiện tượng thất thoát, thất thu sử dụng kinh phí sai mục tiêu và quy định trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp hàng đầu của đất nước.

Thứ ba, đồng nhất biến động giá bộ phận với mặt bằng giá cả xã hội chung. Trong nền kinh tế thị trường hiện đại, sự trồi sụt, lên, xuống thất thường, thậm chí kéo dài trong một khoảng thời gian, là điều bình thường, thậm chí là tạo động lực tích cực kích thích hoặc kìm hãm, điều chỉnh cần thiết các hoạt động kinh tế cho phù hợp cung-cầu thị trường, đảm bảo hiệu quả, lợi nhuận cân bằng chung giữa các lĩnh vực sản xuất-kinh doanh... Trong một số trường hợp cá biệt, sự đắt đỏ kéo dài một hàng hóa, nguyên liệu nào đó có thể còn gợi ý và tạo sức ép thúc đẩy phát triển các nghiên cứu khoa học, sáng chế, tìm kiếm để sản xuất các hàng hóa, nguyên liệu thay thế tương đương, từ đó mở ra hướng mới, bước ngoặt mới, động lực mới và cả một mặt bằng giá mới cho phát triển kinh tế-xã hội, thậm chí mở ra một thời kỳ lịch sử văn minh mới của nhân loại.

Chính sách điều chỉnh giá, vì vậy, chỉ nên hướng vào điều chỉnh giá cục bộ, cho mặt hàng cụ thể, chứ không nên tạo ra tình huống tăng giá đồng loạt, tạo mức mặt bằng tổng giá cả xã hội mới một cách vội vàng, thiếu thận trọng và thiếu căn cứ thực tế rộng, dài.

Thứ tư, neo giá cố định kéo dài bất chấp những biến động mạnh của giá thế giới. Trong một thế giới toàn cầu hóa, việc neo giá cố định thấp có thể gây những tác hại khôn lường về kinh tế, nhất là làm tăng mức bù lỗ khổng lồ vượt quá sức chịu đựng của ngân sách nhà nước, làm tăng tình trạng buôn lậu qua biên giới kiếm chênh lệch giá, tăng cơ hội đầu cơ, tham nhũng và gian lận thương mại khác liên quan đến mặt hàng phải nhập khẩu này.

Thứ năm, thả nổi giá cả thị trường trong nước theo giá cả thị trường thế giới.

Ngược với việc neo giá cố định là việc thả nổi hoàn toàn giá trong nước để thị trường trong nước chịu sự va đập tự phát và thăng trầm tự do theo các con sóng giá cả từ thị trường nước ngoài. Tăng giá trong nước theo sự tăng giá thế giới không có nghĩa là không còn quản lý giá. Việc thả nổi hoàn toàn giá cả trong nước theo thị trường thế giới trong khi cơ chế và các thể chế thị trường trong nước chưa đồng bộ, đầy đủ và phát triển hoàn thiện sẽ khiến nền kinh tế, các doanh nghiệp và cả đời sống nhân dân trong nước gặp nhiều khó khăn, kiểu “người yếu phải ra gió”. Hơn nữa, không thể máy móc điều chỉnh tốc độ tăng giá trong nước khớp hoàn toàn với mức độ tăng giá thế giới, vì lẽ các nhân tố ảnh hưởng đến mức tăng giá cả ở các nước khác nhau không hoàn toàn giống hệt nhau do có sự khác biệt giữa chúng về yêu cầu chính sách, mục tiêu phát triển, đặc điểm cơ cấu sản xuất và tiêu dùng địa phương, mức sống thực tế và một số nhân tố khác...

Thứ sáu, điều chỉnh giá trong nước theo lộ trình kế hoạch cứng nhắc. Không thể điều chỉnh giá theo khớp hoàn toàn mức tăng giá thế giới một cách thụ động, song cũng không nên điều chỉnh giá theo một lộ trình kế hoạch hóa cứng nhắc và được công khai rộng rãi. Điều này là cần thiết để phòng tránh tâm lý và các hiện tượng đầu cơ găm hàng trục lợi từ sự lệch giá trước và sau “giờ G” của những đợt tăng giá theo kế hoạch đã được công khai và thực thi cứng nhắc. Những nhà chỉ huy quân sự hẳn có nhiều bài học thấm thía khi thực hiện những kế hoạch tác chiến của mình được công khai hoặc bị tình báo đối phương giải mã.

Thứ bảy, chỉ điều chỉnh giá tăng một chiều, chậm hoặc không điều chỉnh khi giá giảm. Việc điều chỉnh giá (nhất là giá độc quyền) chỉ theo hướng tăng, mà không hoặc chậm điều chỉnh giảm khi cơn sốt giá quốc tế đã hạ nhiệt là “lợi bất cập hại”, cái lợi thu được nhỏ và có tính ngắn hạn so với cái mất, vì trước hết gây thiệt hại kinh tế cho người tiêu dùng, làm giảm sự công bằng và điều kiện cạnh tranh lành mạnh thị trường, thậm chí còn làm suy giảm lòng tin, độ tín nhiệm của dân chúng và doanh nghiệp vào năng lực điều hành chính sách của chính phủ. Hơn nữa, sự chậm trễ trong phản ứng chính sách quản lý giá còn nuôi dưỡng tật xấu và đặc quyền của các doanh nghiệp độc quyền ưa kêu ca đòi nhà nước bù lỗ khi giá lên và “ngậm miệng ăn tiền” khi giá xuống.

Về tổng thể, để quản lý giá mang tính thị trường và hiệu quả xã hội cao trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay cần khắc phục các định kiến, ngộ nhận về giá thị trường, nhất là việc đưa ra những công thức tính toán và cơ chế, quy trình quản lý giá hết sức chi tiết, phức tạp, tưởng chặt hoá lỏng, vừa khiến các doanh nghiệp bị bó buộc, khó khăn trong hoạt động linh hoạt theo thị trường, vừa dễ lạm dụng làm ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng. Ngoài ra, cần sớm tách biệt và minh bạch hoá yêu cầu dự trữ quốc gia như là các nhiệm vụ chính trị với hoạt động dự trữ kinh doanh của doanh nghiệp độc quyền, nhằm giảm thiểu sự lạm dụng, mập mờ, nhân danh nhiệm vụ chính trị mà hạch toán giành lợi nhuận tối đa cho doanh nghiệp và lợi ích nhóm, ngành, đẩy lỗ tối đa cho nhà nước hoặc tranh thủ “móc túi” người tiêu dùng…

 

Tag:
CLOSE
VI EN

Kết nối với chúng tôi