CEO ngoại trong doanh nghiệp nội thời hội nhập
Ths. Nguyễn Trần Minh Trí
Viện KT&CTTG
Hoạt động của doanh nghiệp thời kinh tế thị trường, toàn cầu hóa và hội nhập mang tính quốc tế ngày càng cao. Doanh nghiệp phải tư duy toàn cầu, lập kế hoạch và tìm kiếm các nguồn lực tài chính, công nghệ sản xuất-kinh doanh và tiêu thụ cho thị trường ngày càng rộng hơn. Trong quá trình đó, doanh nghiệp nội cần sự trợ giúp về mọi mặt, đặc biệt là cần người điều hành công ty (CEO) một cách chuyên nghiệp hơn. Thậm chí, tên tuổi và tài năng cá nhân một CEO có thể tạo bước ngoặt thực sự cho doanh nghiệp trên thương trường....
Ảnh minh họa
Sau khi gia nhập WTO, Trung Quốc đã tuyên bố tổ chức tìm kiếm thuê tuyển 300 CEO giỏi trên thế giới về quản lý các tập đoàn và DNNN của mình. Nước Nga hậu Xô Viết cũng mở rộng cửa thuê CEO ngoại cho các doanh nghiệp nội. Còn ở Việt Nam, cùng với những thay đổi thể chế tích cực và gia tăng cạnh tranh khốc liệt trên thị trường sau gia nhập WTO, trên thực tế đã ngày càng hình thành và tô đậm xu hướng các doanh nghiệp nội, như Công ty AA, Công ty Ánh Rạng (mắt kính), Cty gạch Đồng Tâm, Cty Tôn Hoa Sen, Cty Kinh Đô, Cty Giấy Sài Gòn, Cty FPT Nhật Bản …và hàng loạt NHTM cổ phần như: Mekong Bank, Techcombank, Maritime Bank… thực hiện mời gọi và trao quyền điều hành cho tổng giám đốc người nước ngoài (đến từ Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Singapore, Philippines, Thái Lan…). Hàng chục ngân hàng thay đổi bộ nhận diện thương hiệu với sự tư vấn của CEO. Một số ngân hàng lựa chọn đối tác chiến lược và trao quyền cho tổng giám đốc nước ngoài. Việc thuê CEO phát đạt tới mức có cả những Công ty Tư vấn chuyên kinh doanh "cho thuê" CEO. Thậm chí, thuê CEO còn được coi như mốt thời thượng của một số doanh nghiệp nội có tốc độ tăng trưởng nhanh.
Mục tiêu mà các doanh nghiệp nội kỳ vọng khi tuyển dụng CEO ngoại là khai thác các kiến thức, kinh nghiệm, uy tín thực tiễn, khả năng xây dựng chiến lược quản lý kinh doanh hiện đại, phản ứng thị trường chuyên nghiệp, nhanh và hiệu quả, phát huy các quan hệ quốc tế phong phú, hữu ích của CEO, giúp doanh nghiệp nội hiểu luật pháp, thị trường và khách hàng nước ngoài tốt hơn; đáp ứng được tốt hơn yêu cầu và sự tin tưởng của thị trường; giúp đào tạo nguồn nhân lực, kiện toàn công tác quản trị, nhất là quản trị rủi ro, điều hành theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế; tăng khả năng cạnh tranh và cải thiện hiệu quả hoạt động, từng bước nâng tầm đẳng cấp và vươn tới tính chuyên nghiệp cao hơn cho doanh nghiệp. Thông qua hình ảnh và sự đào tạo của CEO ngoại, đội ngũ nhân sự quản lý và lao động cao cấp Việt Nam sẽ dần được cải thiện cả về số lượng và chất lượng, nhất là về tầm nhìn chiến lược, kinh nghiệm thực tiễn và các kỹ năng mềm (kỹ năng quản trị, kỹ năng ra quyết định, kỹ năng động viên và thúc đẩy cấp dưới làm việc, kỹ năng phân công công việc….). Hiệu quả tuyển dụng CEO là khá ấn tượng ở một số đơn vị, như tăng vốn điều lệ, lợi nhuận trước thuế; giảm nợ xấu và tăng lợi tức cổ phần cũng như thực hiện thành công các thương vụ M&A. Dưới thời CEO Madhur Maini làm việc, quỹ đầu tư hàng đầu thế giới Kohlberg Kravis Roberts (KKR) bỏ ra 159 triệu USD để mua 10% vốn chủ sở hữu trong Công ty cổ phần hàng tiêu dùng Masan. Vụ giao dịch này được báo chí nước ngoài cho là thương vụ góp vốn tư nhân lớn nhất tại Việt Nam từ trước đến nay.
Tuy nhiên, thuê CEO ngoại không phải là cây đũa thần và giải pháp duy nhất để cứu nguy hay khuếch trương sức mạnh của doanh nghiệp. CEO ngoại thường phải trả lương “khủng” (lương hàng năm thường ở mức bảy số 0). Hơn nữa, CEO ngoại khi làm việc tại Việt Nam cũng có thể không phát huy khả năng của mình do gặp nhiều trở ngại về văn hóa công ty, văn hóa địa phương, rào cản ngôn ngữ, môi trường làm việc, khả năng thích nghi với môi trường lao động, quản lý, quản trị và hệ thống dữ liệu của doanh nghiệp nội...
Dù là người làm thuê ăn lương, song một CEO phải được coi như một người bạn đồng hành với chủ doanh nghiệp, “có phúc cùng hưởng, có họa cùng chia”. Tuy nhiên, các chủ công ty nội đa phần đi lên từ một cá nhân và mô hình kinh doanh gia đình, chưa có thói quen "cậy người ngoài" hoặc "không tin người ngoài". Nhiều ông chủ nội khi thuê CEO ngoại lại không sẵn lòng chia sẻ mọi thông tin của công ty với người sẽ thuê; thiếu tin tưởng giao quyền hoặc hay can thiệp thô bạo vào hoạt động ra quyết định của CEO nhằm tạo áp lực thu hồi vốn nhanh, khiến nhiều cuộc "hôn nhân" này thường đứt gánh giữa đường. Một CEO từng học ở Mỹ, sau khi về Việt Nam muốn áp dụng những kiến thức học được để giúp doanh nghiệp nội phát triển, nên quyết định từ chối những lời mời từ các tập đoàn nước ngoài để làm việc cho một công ty trong nước. Thế nhưng, chỉ chưa đầy một năm anh đã phải ra đi và lập công ty riêng vì “đụng tới đâu tôi cũng gặp trở ngại do những người làm trước không muốn thay đổi”.
Quyền hạn và quyền lợi của CEO tuỳ thuộc tỷ lệ thuận với mức độ uy tín, tài năng và hiệu quả kinh doanh thực tế mà họ thể hiện được trong thực tiễn và được cụ thể hóa trong hợp đồng thuê CEO; đặc biệt là quyền hạn của CEO trong duyệt chi mức và mục tiêu cụ thể, cung cấp, sử dụng, bảo mật thông tin liên quan đến lao động, sản xuất - tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp. CEO giỏi phải ý thức được tình trạng công ty thuê mình như thế nào, đứng ở đâu trên “bản đồ kinh doanh”; phải kết nối các nguồn lực, đồng thời phải biết hoạch định chiến lược và triển khai hiệu quả, nhất là biết tận dụng từ những nguồn lực sẵn có trong doanh nghiệp. Tiền bạc nhiều, quyền lực lớn nhưng chưa hẳn các CEO đã thật sự sung sướng, bởi CEO là nghề vô cùng vất vả và khắc nghiệt, cay đắng và gánh nặng thường đồng hành với vinh quang. CEO phải điều hành theo những điều khoản hợp đồng và trách nhiệm cụ thể; để công ty thua lỗ thì không những sẽ phải ra đi, mà còn là người “đứng mũi chịu sào” trước pháp luật.
Tuyển CEO ngoại cần tiến hành trong khuôn khổ pháp lý chính thức, mà bao quát nhất là Luật Lao động, cùng các quy định pháp lý hiện hành liên quan đến hợp đồng kinh tế. Một mặt, những quy định pháp lý phải bảo đảm sự an tâm của chủ sở hữu DN về quyền sở hữu các tài sản mà mình uỷ thác, giao phó cho giám đốc thuê, cũng như quyền định đoạt phương hướng sử dụng chúng để sinh lợi… Mặt khác, những quy định trong thoả thuận thuê giám đốc ngoài việc xác định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ ràng buộc cá nhân, cũng phải tạo điều kiện thuận lợi cần thiết để giám đốc thuê thể hiện được trí tuệ và bản lĩnh kinh doanh của mình, nhất là trong việc đưa ra các quyết định nhanh nhạy phản ứng hiệu quả với biến động thị trường hàng ngày và dài hạn.
Việc phát sinh và xử lý tranh chấp, khiếu kiện trong quá trình thuê CEO cũng là được quan tâm cả từ 3 phía: người thuê, người được thuê và cơ quan tư pháp; thậm chí có cả một "thị trường dịch vụ ăn theo” khá phát triển về kiểm toán, bổ trợ tư pháp và các hỗ trợ thông tin liên quan.
Nền kinh tế càng mở và lưu chuyển lao động quốc tế càng tự do càng tạo cơ hội mở rộng tuyển CEO ngoại cho doanh nghiệp nội; cũng như ngược lại, người Việt trở thành “CEO ngoại” trên các thị trường nước ngoài.