Hội thảo Kinh tế Việt Nam 2023: Tìm giải pháp để vượt những "cơn gió nghịch"
(Trituemoi.vn) Với chủ đề “SMEs đối diện và vượt bão”, Hội thảo Kinh tế Việt Nam 2023 diễn ra tại Hà Nội vừa qua đã thu hút đông đảo sự tham gia của các diễn giả, các chuyên gia kinh tế và các nhà quản lý doanh nghiệp.
Chương trình được tổ chức bởi Tổ chức Giáo dục Đào tạo PTI, Tổ chức đào tạo chất lượng cao PBS và Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (ABE Academy).
Hội thảo là diễn đàn thảo luận và cung cấp góc nhìn đa chiều của những chuyên gia kinh tế, các nhà quản trị về bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế. Đồng thời, các chuyên gia cũng đưa ra những chỉ dấu nhận diện các xu hướng mới trong kinh doanh và thảo luận các vấn đề thời sự trong bối cảnh doanh nghiệp đương đầu với những khó khăn chung. Theo đó, những định hướng và giải pháp hỗ trợ cụ thể về mặt tài chính, nguồn vốn và nâng cấp chiến lược quản trị cũng được phân tích và chuyển giao tại hội thảo.
Chương trình chào đón sự tham gia và thảo luận trực tiếp của các chuyên gia: Ông Nguyễn Tất Thịnh - Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, Chủ tịch HĐGH Tổ chức Giáo dục Đào tạo PTI; PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia; ông Nguyễn Hoàng Phương - Chủ tịch Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế châu Á - Thái Bình Dương/Chủ tịch HĐGH Tổ chức Đào tạo chất lượng cao PBS; PGS TS. Nguyễn Đức Thành - nhà sáng lập Trung tâm nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược (VESS); ông Choi Bong Sik - Nguyên Tổng giám đốc LG cable/Cố vấn điều hành hiệp hội DNNVV Hàn Quốc tại VN; ông Phạm Thế Trường - nguyên Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam/Giám đốc Công ty Đầu tư Công nghệ NGS (NGS Tech); ông Đoàn Quốc Dũng, Quản lý Hoạt động Hỗ trợ Doanh nghiệp Tiên phong, Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam USAID IPSC.
Hội thảo diễn ra gồm 2 phiên, xoay quanh 5 chủ điểm lớn: Thực trạng kinh tế vĩ mô, bất động sản và tài chính, AI và IOT, nhận định về công tác vận hành doanh nghiệp và định hướng cho SMEs hội nhập và phát triển bền vững.
Chuyên gia phát biểu khai mạc chương trình là ông Nguyễn Hoàng Phương – Chủ tịch Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế châu Á - Thái Bình Dương/Chủ tịch HĐGH Tổ chức Đào tạo chất lượng cao PBS. Theo chuyên gia, các doanh nghiệp dần phải quen thuộc với những sự bất ổn, phức tạp của những chu kỳ phát triển, sự sắp xếp lại trật tự của xã hội để phù hợp với quy luật phát triển của tự nhiên, cạnh tranh thiếu lành mạnh cho tới lành mạnh, từ đó tìm ra hướng đi cho sự phát triển của chính mình.
Chuyên gia Nguyễn Hoàng Phương phát biểu khai mạc hội thảo
Tại phần tham luận, các chuyên gia tham dự đều đồng nhất với nhận định cho rằng: Các doanh nghiệp thời gian tới sẽ phải đối mặt với 3 thách thức lớn bao gồm lạm phát tăng, điều kiện tài chính xấu, tăng trưởng suy giảm. Thương mại và tài chính sẽ tiếp tục là bài toán khó đối với mọi doanh nghiệp trong thời gian tới. PGS TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng thời điểm nay là lúc các chủ thể trong nền kinh tế Việt Nam cần tiếp cận chiến lược mới với 3 trụ cột: Khu vực công hiệu quả, khu vực tư nhân tạo “tâm – tầm” khác biệt và kinh tế số - khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với cách tiếp cận thời đại – dân tộc.
PGS.TS Trần Đình Thiên phát biểu tham luận về kinh tế thế giới và Việt Nam
Tiếp nối tham luận về thực trạng các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) hiện nay, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, đã trích dẫn số liệu cho thấy tính riêng quý I năm 2023, ngành kinh doanh bất động sản đóng góp 3.54% GDP cả nước. Chuyên gia cũng đưa ra lời khuyên về giải pháp vốn: Các doanh nghiệp cần có kế hoạch cụ thể, khả thi thanh toán nợ trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, hướng tới minh bạch và quản lý chặt chẽ trong việc huy động sử dụng vốn và rủi ro tài chính.
TS Cấn Văn Lực đồng thời là chuyên gia kinh tế trưởng BIDV
Cùng chung nhận định với nội dung các tham luận, TS Nguyễn Đức Thành, chuyên gia kinh tế, người sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược (VESS), cho rằng các doanh nghiệp cần nhận định lại về thị trường nội địa cũng như xuất khẩu, đồng thời học cách thích nghi với sự thay đổi toàn diện của công nghệ và cách thức sử dụng năng lượng.
PGS TS Nguyễn Đức Thành nhận định xu hướng dịch chuyển năng lượng (energy transition) dẫn tới thay đổi cấu trúc sử dụng tài nguyên và chuỗi giá trị (quá trình sản xuất)
Bên cạnh các chuyên gia Việt Nam, hội thảo kinh tế còn có sự hiện diện của ông Choi Bong Sik - chuyên gia đến từ Hàn Quốc. Theo chuyên gia, hoạt động quản trị chiến lược và đổi mới chi phí phải thông qua tinh thần doanh trí, văn hóa doanh nghiệp và quyền sở hữu. Đó cũng là những năng lực cốt lõi để các doanh nghiệp tồn tại trước những "cơn bão lớn" của nền kinh tế.
Ông Choi Bong Sik là Nguyên Tổng giám đốc LG Cable, Cố vấn điều hành Hiệp hội DNNVV Hàn Quốc tại Việt Nam
Kết phiên tham luận, ông Phạm Thế Trường, nguyên Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam, Giám đốc Công ty Đầu tư Công nghệ NGS (NGS Tech), đã mang tới những nhận định về xu thế của nền kinh tế thị trường 4.0 và đặc biệt là vai trò không thể bỏ qua của AI. Theo ông, để nắm bắt được định hướng chuyển đổi số, doanh nghiệp có thể lưu ý 4 từ khóa quan trọng cấu thành toàn bộ lộ trình số hóa: AI/ML (Trí tuệ nhân tạo hay máy học), Big Data (dữ liệu lớn), Cloud Computing (Lưu trữ đám mây) và Digitalization (Kỹ thuật số).
Ông Phạm Thế Trường phát biểu kết phiên tham luận
Bên cạnh những tham luận có tính chuyên môn và chất lượng cao, hội thảo kinh tế còn mang đến những giải pháp tiếp cận cụ thể về nguồn vốn và hỗ trợ xuất khẩu thông qua những chia sẻ trực tiếp từ các đại diện ngân hàng và cơ quan chính phủ.
Bà Nguyễn Thị Hương Thuý - Giám đốc khách hàng doanh nghiệp vi mô miền Bắc - VP Bank chia sẻ về những gói giải pháp hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp
Ông Đoàn Quốc Dũng, Quản lý Hoạt động Hỗ trợ Doanh nghiệp Tiên phong, giới thiệu đến hội thảo về Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam - USAID IPSC
Kết luận tại hội thảo, chuyên gia Nguyễn Tất Thịnh đã khẳng định những giải pháp chủ chốt dành cho các doanh nghiệp để đối diện với những "cơn gió nghịch": Thứ nhất, nhận định lại thị trường; thứ hai, chú trọng công nghệ số - công nghệ tích hợp; thứ ba, kinh doanh có chiến lược chiêu sâu. Chuyên gia cũng nêu ra quy tắc “quản lý tử số và mẫu số” trong đầu tư và chi tiêu của doanh nghiệp nhằm ứng phó với những biến động tài chính trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Tất Thịnh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế châu Á – Thái Bình Dương, Chủ tịch Hội đồng giảng huấn PTI
Đồng nhất nhận định với những bài tham luận, chuyên gia Nguyễn Tất Thịnh khẳng định: Doanh nghiệp phải đối mặt trực diện với sự thật rằng nền kinh tế đang khủng hoảng và sẽ ngày càng khó khăn hơn. Tuy nhiên, nếu giữ được sự bình tĩnh, tự tin và tìm ra hướng đi đúng cho các giải pháp về công nghệ và nguồn vốn, doanh nghiệp hoàn toàn có thể vượt qua bão tố để tồn tại và phát triển.
Theo: Trituemoi.vn